Cùng với gia đình chị Mười, ở thôn Tân An, xã Ngọc Thanh bây giờ vẫn còn vài chục gia đình sản xuất chè. Tuy nhiên, nghề sản xuất chè ở Ngọc Thanh đang đứng trước nhiều khó khăn, qua tìm hiểu được biết: Làm chè phải trải qua nhiều công đoạn từ chăm sóc bón phân, thu hái búp tươi, làm héo, vò chè, xao khô. Nhưng sản phẩm chè khô ở đây chủ yếu bán ở dạng thô cho thương lái từ Thái Nguyên sang thu mua, chưa phải là chè thương phẩm (chưa ướp hương, đóng gói) nên giá bán thấp. Giá bán chè khô tại nhà thời điểm giữa năm 2015 chỉ được 40.000 - 45.000 đ/kg, dẫn đến giá trị ngày công lao động của người làm chè cũng không cao. Hiện nay, nhiều lao động trẻ tại địa phương không còn mặn mà với nghề chè mà đi làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc đi làm thuê với mức thu nhập cao hơn. Nhiều gia đình đã đốn bỏ cây chè để trồng cây lâm nghiệp. Trong xã Ngọc Thanh chỉ còn 6 thôn còn giữ được diện tích chè là: Thanh Ngọc, Thọ An, Tân An, Bắc Ái, Đồng Trằm và Đồng Tâm.
Trước sự mai một của nghề chè ở Ngọc Thanh, nhiều người dân địa phương, nhất là những người lớn tuổi không khỏi chạnh lòng. Bà Ân Thị Năm năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng ngày nào cũng cần mẫn lên nương hái chè, trong thâm tâm của bà làm chè vừa để lo cuộc sống nhưng còn góp phần gìn giữ một nghề truyền thống, một nét văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở Ngọc Thanh. Trong trí nhớ của bà như vẫn văng vẳng đâu đây âm thanh vui nhộn về “Bài ca hái chè” mỗi khi vào vụ. Bà mong muốn cơ quan nhà nước có sự quan tâm hỗ trợ để nghề chè của quê hương vượt qua được thời điểm khó khăn hiện nay. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần quan tâm đầu tư cho nghề sản xuất chè ở Ngọc Thanh theo quy trình khép kín từ giống, kỹ thuật thâm canh, chế biến, đăng ký nhãn mác, xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Việc làm này không những giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn giữ lại nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Sán Dìu xã Ngọc Thanh./.